1. Google Veo 3 chính thức có mặt tại Việt Nam
Ngày 3/7/2025, Google chính thức mở rộng phạm vi hỗ trợ mô hình tạo video bằng AI - Google Veo 3 đến 159 quốc gia, bao gồm Việt Nam. Đây là lần đầu tiên người dùng Việt có thể tiếp cận công nghệ này chính thống, không cần dùng mạng riêng ảo (VPN) hay đăng ký gói Google AI Ultra đắt đỏ như trước.
Google Veo 3 là mô hình tạo video từ văn bản (text-to-video) do Google DeepMind phát triển, cho phép tạo video có thời lượng tối đa 8 giây với hình ảnh động và âm thanh đồng bộ. Người dùng chỉ cần đăng ký gói Google AI Pro (từ 489.000 đồng/tháng), vừa có thể trải nghiệm Veo 3 vừa được sử dụng mô hình AI mạnh nhất của Google như Gemini Pro 2.5.
Ngay sau đó, Google tiếp tục bổ sung tính năng mới cho Veo 3: tạo video từ hình ảnh. Chỉ cần tải lên một bức ảnh kèm mô tả, người dùng có thể tạo ra đoạn video sinh động dài 8 giây với âm thanh nền phù hợp. Song song, Google cũng mở bán gói Google AI Ultra tại Việt Nam với nhiều tính năng nâng cao và mô hình mạnh nhất của Google.
2. Comet - Trình duyệt AI đầu tiên chính thức lộ diện
Vào ngày 9/7 vừa qua, Perplexity chính thức trình làng Comet – trình duyệt web tích hợp AI đầu tiên, cho phép người dùng tra cứu, tóm tắt, so sánh sản phẩm, đặt phòng, gửi email… ngay trong giao diện web. Đây được coi là bước đi chiến lược nhằm cạnh tranh trực tiếp với các ông lớn như Google Chrome hay Microsoft Edge trong cuộc đua trình duyệt AI.
Khác với các trình duyệt truyền thống, Comet không chỉ đơn thuần là công cụ tìm kiếm còn được tích hợp một trợ lý AI có thể trả lời các câu hỏi về những gì bạn đang thấy trên màn hình, tương tự như tích hợp của Gemini với Google Chrome. Bên cạnh đó, người dùng có thể tra cứu, tóm tắt nội dung, so sánh sản phẩm, đặt phòng, gửi email, lên lịch… ngay trong giao diện web, mà không cần chuyển sang ứng dụng khác.
Trình duyệt hiện mới mở dưới dạng thử nghiệm cho người dùng đăng ký gói Perplexity Max (200 USD/tháng), hướng đến nhóm người dùng cao cấp và doanh nghiệp.
3. OpenAI và ý định “lật đổ” Google Chrome
Theo báo cáo mới đây của Reuters, ngay sau khi Perplexity ra mắt trình duyệt riêng của mình mang tên Comet, OpenAI được cho là đang chuẩn bị phát hành một trình duyệt web tích hợp AI trong vài tuần tới với hệ thống trò chuyện giống như Chat GPT.
Thay vì thực hiện thao tác tìm kiếm, nhấp chuột và điền thông tin như trên các trình duyệt truyền thống, người dùng chỉ cần trò chuyện trực tiếp với AI thông qua giao diện tương tự ChatGPT. Đặc biệt, trình duyệt web của OpenAI có thể được tích hợp Operator - "tác nhân AI" (AI Agent) có khả năng tự động thực hiện nhiều tác vụ như tự điền biểu mẫu, đặt lịch hẹn hay đặt vé máy bay.
Động thái này không chỉ thể hiện tham vọng cạnh tranh trực tiếp với các ông lớn như Google Chrome hay Comet mà còn là bước đi chiến lược giúp OpenAI chủ động thu thập lượng dữ liệu lớn về hành vi người dùng nhằm đào tạo các mô hình AI ngày càng thông minh và hoàn thiện hơn trong tương lai.
4. YouTube thay đổi chính sách đối với nội dung AI
YouTube đang lên kế hoạch cập nhật chính sách nhằm ngăn chặn khả năng người sáng tạo kiếm tiền từ nội dung “không xác thực”, bao gồm các video sản xuất hàng loạt hay lặp đi lặp lại những nội dung trở nên dễ tạo hơn nhờ AI.
Ngày 15/7, YouTube chính thức cập nhật chính sách kiếm tiền trong YouTube Partner Program với hướng dẫn chi tiết hơn về loại nội dung nào đăng tải trên Youtube được phép hay không được phép kiếm tiền.
Việc cập nhật chính sách mới của Youtube là điều cần thiết để các nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng này có thể chủ động điều chỉnh và tạo ra nội dung phù hợp và bền vững hơn trong tương lai.
Nguồn tham khảo: The Verge, Tech Crunch
Bài viết khác