Tin tức nổi bật về AI - Tháng 2/2025

01/03/2025

1. Giới công nghệ toàn cầu phát sốt với DeepSeek

DeepSeek là một startup AI chuyên phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), được thành lập vào năm 2023 tại Hàng Châu, Trung Quốc. Mặc dù ra đời sau nhiều đối thủ lớn như OpenAI, Google…, DeepSeek đã nhanh chóng khẳng định vị thế của mình trên bản đồ AI toàn cầu.

Mô hình DeepSeek-R1, ra mắt vào tháng 1/2025, đã gây ấn tượng mạnh mẽ với khả năng suy luận vượt trội và chỉ tốn dưới 6 triệu USD để huấn luyện – một chi phí cực thấp so với hàng tỷ USD các đối thủ. Thành công này không chỉ khiến giới công nghệ xôn xao mà còn làm chao đảo thị trường tài chính: cổ phiếu Nvidia giảm 17% , thổi bay gần 600 tỷ USD vốn hóa – mức giảm kỷ lục trong lịch sử doanh nghiệp Mỹ.

Theo Reuters, sau thành công vang dội của DeepSeek-R1, công ty này hiện đang đẩy nhanh tiến độ ra mắt DeepSeek-R2, dự kiến trước tháng 5/2025, với những cải tiến về khả năng suy luận, lập trình và hỗ trợ nhiều ngôn ngữ ngoài tiếng Anh.

Sự trỗi dậy của DeepSeek đặt ra nhiều thách thức cho Mỹ, buộc quốc gia này phải đánh giá lại chính sách kiểm soát xuất khẩu chip AI và chiến lược duy trì vị thế dẫn đầu trong cuộc đua công nghệ.

2. Elon Musk giới thiệu Grok-3 - Chatbot AI “thông minh nhất thế giới”

 Ngày 18/2 vừa qua, công ty xAI của Elon Musk chính thức ra mắt Grok-3, phiên bản chatbot AI mới nhất của công ty này, với tham vọng cạnh tranh cùng ChatGPT của OpenAI và DeepSeek của Trung Quốc.

Grok-3 vượt trội về sức mạnh tính toán, sở hữu hiệu suất lớn hơn Grok-2 gấp 10 lần, được hỗ trợ bởi cụm siêu máy tính Colossus với khoảng 200.000 GPU. Mô hình này có hai chế độ tư duy đặc biệt: "Think" giúp phân tích từng bước và "Big Brain" để vận dụng khả năng suy luận giúp xử lý các vấn đề phức tạp.

Một tính năng đáng chú ý khác của Grok-3 là DeepSearch, hỗ trợ tìm kiếm và tổng hợp thông tin nhanh chóng từ internet và mạng xã hội X, giúp người dùng tiết kiệm đáng kể thời gian nghiên cứu. Tuy nhiên, sự phát triển của chatbot này cũng đi kèm với tranh cãi. Cơ quan bảo vệ quyền riêng tư Canada đã mở cuộc điều tra về việc X có thể sử dụng dữ liệu cá nhân để huấn luyện AI, làm dấy lên lo ngại về bảo mật thông tin người dùng.

Ngoài ra, Grok-3 cũng tích hợp tính năng giao tiếp bằng giọng nói, hiện đang được hoàn thiện và dự kiến sẽ ra mắt trong vài tuần tới.

Grok-3 đánh dấu bước tiến lớn của xAI trong cuộc đua AI toàn cầu, nơi các công ty công nghệ lớn như OpenAI, Google, DeepSeek… đang không ngừng đổi mới để dẫn đầu.

3. GPT 4.5 - Mô hình AI lớn nhất của OpenAI chính thức lộ diện

Mới đây, OpenAI công bố GPT-4.5, mô hình AI tiên tiến nhất của công ty, đánh dấu bước tiến mới trong công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Với khả năng hiểu ngữ cảnh sâu hơn, tương tác tự nhiên hơn và giảm thiểu lỗi "ảo giác", GPT-4.5 hứa hẹn nâng cao trải nghiệm AI trong việc thực hiện các tác vụ sáng tạo như: viết lách, thiết kế…

Dù sở hữu nhiều nâng cấp đáng kể, GPT-4.5 vẫn đối mặt với những hạn chế của phương pháp huấn luyện AI truyền thống, vốn dựa vào việc tăng khả năng xử lý lượng dữ liệu của mô hình và dữ liệu huấn luyện để nâng cao hiệu suất. OpenAI thừa nhận rằng cách tiếp cận này đang dần chạm tới giới hạn, khi chi phí tính toán tăng cao nhưng không mang lại lợi ích đột phá.

Do đó, OpenAI đang chuyển hướng sang phát triển các mô hình AI lý luận (Reasoning AI) – một hướng đi mới được kỳ vọng sẽ khắc phục những hạn chế của AI hiện tại. AI lý luận không chỉ dựa vào dự đoán xác suất từ vựng mà còn có thể tư duy nhiều bước, lập luận logic và giải quyết các bài toán phức tạp một cách hiệu quả hơn.

OpenAI hiện đang nghiên cứu mô hình GPT-5, được kỳ vọng sẽ kết hợp giữa GPT truyền thống và Orion (o-series) – mô hình AI lý luận tiên tiến. Nếu thành công, đây có thể coi là cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển AI tổng quát (AGI), nơi AI không chỉ phản hồi dựa trên dữ liệu thống kê mà còn có thể tư duy và lập luận như con người.

4. OpenAI ra mắt tính năng Deep Research hỗ trợ nghiên cứu chuyên sâu

Đầu tháng 2, khi “cơn sốt” DeepSeek vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, OpenAI đã ra mắt Deep Research, một tính năng mới trên ChatGPT giúp người dùng thực hiện nghiên cứu chuyên sâu một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Bằng cách tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn trực tuyến, Deep Research tạo ra các báo cáo chi tiết, có trích dẫn đầy đủ, đồng thời hiển thị toàn bộ quy trình nghiên cứu, bao gồm các bước đã thực hiện và nguồn thông tin được sử dụng. Điều này giúp người dùng theo dõi và kiểm chứng tiến trình nghiên cứu một cách rõ ràng. Một điểm đặc biệt của tính năng này là khả năng xử lý đa dạng định dạng dữ liệu – từ văn bản, hình ảnh đến tệp PDF – giúp mang lại bối cảnh trực quan và sâu sắc hơn.

Để sử dụng Deep Research, người dùng chỉ cần nhập câu hỏi và chọn biểu tượng “Deep Research” trước khi gửi yêu cầu. Quá trình xử lý có thể mất từ 5 đến 30 phút, tùy thuộc vào mức độ phức tạp của câu hỏi.

Hiện tại, Deep Research đã khả dụng cho người dùng các gói Pro, Plus, Team, Edu và Enterprise. Người dùng gói Plus có thể thực hiện 10 truy vấn mỗi tháng, trong khi gói Pro được nâng lên 120 truy vấn/tháng. Do yêu cầu tài nguyên xử lý lớn, OpenAI cho biết người dùng miễn phí sẽ cần chờ thêm một thời gian trước khi có thể trải nghiệm tính năng này.

Phương thức thanh toán
vnpay vtmoney
Banner_CTTDT_BQP2 Banner_CDVC_BQP2

logoSaleNoti