1.Manus AI - Trung Quốc có tiếp tục tạo cơn địa chấn?
Sau sự xuất hiện của mô hình DeepSeek R1 vào cuối tháng 1, một startup Trung Quốc tiếp tục khiến giới công nghệ xôn xao với Manus AI – AI Agent đầu tiên trên thế giới được kỳ vọng tạo ra đột phá giống DeepSeek.
Manus là AI Agent tự chủ đầu tiên trên thế giới, có khả năng tự thực hiện các nhiệm vụ phức tạp như: Lên lịch trình chuyến du lịch, phân tích chuyên sâu về cổ phiếu, nghiên cứu về bất động sản, lọc hồ sơ xin việc…
Manus AI gây ấn tượng nhờ sở hữu các điểm vượt trội như:
+ Tự động hóa toàn diện: Manus hoạt động như một người quản lý, giám sát nhiều tác nhân nhỏ. Khi nhận nhiệm vụ, Manus sẽ phân tích yêu cầu, lên kế hoạch, theo dõi tiến độ của các tác nhân. Sau đó, Manus cung cấp câu trả lời cuối cùng cho người dùng.
+ Hoạt động trên điện toán đám mây: Manus có thể tiếp tục làm việc ngay cả khi người dùng tắt máy tính và chỉ thông báo khi hoàn thành nhiệm vụ.
+ Tích hợp nhiều mô hình mạnh mẽ: Manus kết hợp các mô hình như: Claude 3.5 Sonnet của Anthropic, Qwen của Alibaba và 29 công cụ AI nguồn mở khác nhằm thực hiện các tác vụ phức tạp một cách hiệu quả.
Sự xuất hiện của Manus tiếp tục khẳng định tốc độ phát triển AI mạnh mẽ của Trung Quốc, không chỉ thể hiện tham vọng dẫn đầu lĩnh vực AI mà còn mở ra nhiều cơ hội mới trong ứng dụng AI vào cuộc sống và công việc.
2.DeepSeek bất ngờ ra mắt mô hình AI mới “vượt mặt” đối thủ
Ngày 25/3 vừa qua, DeepSeek đã phát hành phiên bản nâng cấp của mô hình DeepSeek V3, đánh dấu bước tiến quan trọng trong cuộc đua AI toàn cầu.
Mô hình mới, DeepSeek-V3-0324, nổi bật nhờ kiến trúc “mixture-of-experts” (MoE), cho phép mô hình chỉ kích hoạt khoảng 37 tỷ tham số trên tổng số 685 tỷ cho mỗi tác vụ, giúp tiết kiệm tài nguyên tính toán nhưng vẫn đạt hiệu suất tương đương với các mô hình lớn hơn. Bên cạnh đó, DeepSeek còn tích hợp 02 công nghệ tiên tiến: Multi-Head Latent Attention (MLA) và Multi-Token Prediction (MTP), đảm bảo AI hiểu sâu hơn về nội dung được xử lý và tăng tốc độ đưa ra câu trả lời lên đến 80%.
Đáng chú ý, DeepSeek V3 có thể chạy trực tiếp trên các thiết bị tiêu dùng cao cấp như Mac Studio M3 Ultra mà không cần hệ thống siêu máy tính, mở ra cơ hội tiếp cận AI rộng rãi cho nhiều đối tượng hơn.
Việc DeepSeek phát hành miễn phí một mô hình tiên tiến như DeepSeek-V3-0324 không chỉ tạo áp lực lên OpenAI, mà còn báo hiệu một tương lai nơi ranh giới AI giữa Trung Quốc và Mỹ đang ngày càng thu hẹp.
3.Chat GPT “mở khóa” tính năng tạo ảnh mới
Mới đây, OpenAI vừa chính thức tích hợp tính năng tạo hình ảnh trực tiếp trong ChatGPT, mang tên Images in ChatGPT.
Tính năng mới này hiện có sẵn cho cả người dùng miễn phí và các gói đăng ký như Plus, Pro, và Team, cho phép người dùng không chỉ trò chuyện mà còn tạo ra hình ảnh cực kỳ chân thực chỉ bằng câu lệnh văn bản.
Một cải tiến đáng chú ý của tính năng này là ứng dụng công nghệ "Binding" giúp duy trì sự liên kết chính xác giữa thuộc tính và đối tượng trong ảnh, nhằm đảm bảo AI hiểu và tạo hình ảnh chính xác như yêu cầu của người dùng. Ngoài ra, khả năng tái tạo văn bản trong hình ảnh cũng được nâng cấp đáng kể. Chat GPT nay có thể hiển thị chữ rõ ràng, mạch lạc, không còn méo mó như trong nhiều hình ảnh AI thông thường.
Mặc dù so với các mô hình khác, tính năng tạo ảnh trong ChatGPT có thể lâu hơn, đại diện OpenAI cho biết đây là "sự đánh đổi xứng đáng" để đổi lấy chất lượng hình ảnh cao hơn và đội ngũ đang cố gắng cải thiện hạn chế này.
4.Google gây sốt với AI tạo ảnh “như thật” và mô hình thông minh nhất thế giới”
Giữa tháng 3 vừa qua, Google đã giới thiệu Gemini 2.0 Flash Experimental - công cụ AI cho phép người dùng tạo và chỉnh sửa hình ảnh chỉ bằng cách nhập yêu cầu bằng ngôn ngữ tự nhiên. Ngay lập tức, Gemini 2.0 Flash Experimental trở thành tâm điểm chú ý trong giới công nghệ nhờ khả năng thực hiện hàng loạt thao tác như thay đổi chi tiết trong ảnh, tách nền, ghép ảnh, thêm chữ và phục chế ảnh cũ…
Dù vẫn còn một số hạn chế như độ phân giải chưa cao, chữ trong ảnh dễ bị sai hoặc biến dạng, Gemini 2.0 Flash Experimental vẫn được đánh giá là một công cụ tạo ảnh ấn tượng, hứa hẹn có thể cạnh tranh, thậm chí thay thế phần mềm chỉnh sửa ảnh chuyên nghiệp như Adobe Photoshop trong tương lai gần.
Đến cuối tháng 3, Google tiếp tục gây chú ý khi ra mắt Gemini 2.5 Pro - mô hình AI mới được đánh giá là “thông minh nhất thế giới”. Mô hình này được đánh giá vượt trội về một số tiêu chí như lý luận, toán học và khoa học so với nhiều mô hình AI phổ biến hiện nay. Ngoài ra, Gemini 2.5 Pro còn có khả năng tự suy luận trước khi phản hồi, giúp nâng cao hiệu suất và độ chính xác khi xử lý các tác vụ phức tạp.
Đặc biệt, chỉ vài ngày sau khi ra mắt, Google bất ngờ công bố cung cấp miễn phí Gemini 2.5 Pro, cho thấy cam kết của Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới trong việc phổ cập AI đến đông đảo người dùng và thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng công nghệ này trong đời sống.
5.NVIDIA khẳng định vị thế dẫn đầu AI toàn cầu tại GTC 2025
Hội nghị NVIDIA GTC 2025 - một trong những sự kiện công nghệ nổi bật và đáng được mong chờ nhất trong năm đã chính thức diễn ra từ ngày 17-19/3 vừa qua.
Tại hội nghị, CEO Jensen Huang của NVIDIA đã công bố một loạt các công nghệ mang tính đột phá trong lĩnh vực AI và tính toán hiệu năng cao. Trong đó, GPU Blackwell Ultra với với hiệu năng AI tăng 1,5 lần so với GPU Blackwell hiện tại, dự kiến sẽ được ra ra mắt vào nửa cuối năm nay.
Sau chip GPU Blackwell Ultra, NVIDIA dự kiến ra mắt GPU Rubin vào nửa cuối năm 2026, hứa hẹn mang lại hiệu suất đào tạo AI và suy luận tốt hơn so với chipset Grace-Blackwell. Bên cạnh đó, NVIDIA cũng công bố GR00T N1 – mô hình nền tảng mã nguồn mở đầu tiên cho robot hình người, hứa hẹn sẽ xuất hiện tại các công viên giải trí của NVIDIA trong năm sau.
NVIDIA GTC 2025 cho thấy chiến lược dài hạn của NVIDIA trong việc định hình lại vai trò của mình trong ngành công nghiệp AI: Không chỉ cung cấp phần cứng mà còn hướng tới xây dựng một hệ sinh thái hạ tầng AI toàn diện, thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng AI trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
6.MWC 2025 - Hội nghị di động hàng đầu thế giới chính thức khai mạc
Hội nghị Di động Thế giới 2025 (MWC 2025) là sự kiện công nghệ và viễn thông lớn nhất hành tinh, quy tụ các tập đoàn và công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung, Huawei, Xiaomi, Nokia...
Với chủ đề "Hội tụ. Kết nối. Sáng tạo", MWC 2025 nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo toàn cầu. Sự kiện không chỉ là nơi trình diễn các sản phẩm công nghệ tiên tiến, mà còn là diễn đàn kết nối doanh nghiệp, mở rộng hợp tác và chia sẻ các xu hướng công nghệ mới nhất.
Đặc biệt Tập đoàn Viettel - đại diện duy nhất của Việt Nam tại Hội nghị, đã mang đến 22 sản phẩm công nghệ trong các lĩnh vực hạ tầng 5G, nền tảng số và ứng dụng AI, khẳng định năng lực công nghệ Việt Nam trên trường quốc tế.
Bài viết khác