Sáng 9/10, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị giao ban quản lý Nhà nước Quý 3/2023 với các doanh nghiệp, hiệp hội và đối tượng quản lý.
Hội nghị là nơi để các doanh nghiệp báo cáo với lãnh đạo Bộ TT&TT về những kết quả đạt được trong thời gian qua, đồng thời, đưa ra một số đề xuất, kiến nghị nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành. Cũng tại đây, các vấn đề nóng mang tính định hướng, chiến lược đã được lãnh đạo Bộ TT&TT gỡ rối.
Sẽ có 4 trợ lý ảo tiếng Việt phục vụ người Việt Nam
Báo cáo lãnh đạo Bộ TT&TT, đại diện nhóm phát triển mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt và trợ lý ảo dùng cho công chức, ông Nguyễn Mạnh Quý, Giám đốc Viettel Cyberspace cho biết, đơn vị đã phát triển xong phiên bản trợ lý ảo đầu tiên.
Trợ lý ảo Viettel có khả năng cung cấp câu trả lời về 20.000 văn bản pháp luật còn hiệu lực. Các văn bản pháp luật đã được cập nhật vào trợ lý ảo bao gồm luật, nghị định, thông tư của các bộ, ban, ngành.
Trợ lý ảo cần phải được triển khai trên diện rộng để qua đó thu thập hành vi, phản hồi từ người dùng nhằm nâng cao hiệu suất. Do vậy, Viettel Cyberspace đề xuất Bộ TT&TT có chính sách hỗ trợ để việc triển khai trợ lý ảo công chức được thuận lợi.
Đánh giá cao những nỗ lực phát triển trợ lý ảo của Viettel nhưng Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhận định rằng việc xây dựng trợ lý ảo cho bộ máy công chức hiện mới ở bước khởi đầu. Bộ TT&TT sẽ huy động người dùng thử để góp phần chung tay cùng Viettel xây dựng và nâng cao chất lượng trợ lý ảo, từ đó tăng cường chất lượng làm việc của bộ máy công chức.
Chia sẻ thêm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, các doanh nghiệp trong nước đang phát triển 4 trợ lý ảo phục vụ người Việt Nam. Đó là trợ lý ảo lập pháp để phát hiện những mâu thuẫn khi làm văn bản pháp luật, trợ lý ảo tòa án để giảm bớt công việc cho các thẩm phán, trợ lý ảo hỗ trợ bộ máy cán bộ công chức và trợ lý ảo hỗ trợ tư pháp cho người dân. Đây là 4 trợ lý ảo sẽ thay đổi căn bản cách sống và làm việc.
Việt Nam phải đầu tư vào nền tảng số, hạ tầng viễn thông
Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước Quý 3 của Bộ TT&TT, lãnh đạo Bộ TT&TT đã chỉ ra nhiều định hướng nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp, hiệp hội trong lĩnh vực TT&TT.
Dữ liệu sinh ra là do con người sử dụng nền tảng, bởi vậy, nền tảng số chính là nơi nắm giữ dữ liệu. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nếu có các nền tảng số Việt Nam, sự giàu có sẽ thuộc về người Việt Nam. Do đó, việc phát triển các nền tảng số Việt Nam là vô cùng quan trọng.
Đối với lĩnh vực viễn thông, thời gian qua, hạ tầng viễn thông Việt Nam được đầu tư rất ít. Để giải quyết vấn đề này, Bộ TT&TT sẽ ra hướng dẫn về mặt đầu tư cho các nhà mạng viễn thông, đồng thời, giám sát việc thực hiện hàng năm. Bên cạnh việc tăng cường đầu tư của doanh nghiệp, cơ quan quản lý là Cục Viễn thông phải đưa ra được những tiêu chuẩn cao hơn, nhằm thúc đẩy chất lượng dịch vụ viễn thông.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số đã ngấm sâu vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội. Ở giai đoạn tiếp theo, phải dùng chuyển đổi số để tạo ra giá trị.
Kết luận Hội nghị, người đứng đầu Bộ TT&TT cho rằng, các nền tảng mạng xã hội đang làm thay đổi các cán cân quyền lực. Do vậy, người làm quản lý Nhà nước phải nhìn nhận thấu đáo, đa chiều, tìm hiểu cả về mặt lý luận chứ không chỉ về vấn đề quản lý thuần túy.
“Mỗi sự phát triển lại tạo ra những vấn đề mới, dù khó nhưng đây lại là cơ hội phát triển mới. Hãy nhìn nó dưới góc nhìn khác đi và tiếp cận một cách nhẹ nhàng hơn”, Bộ trưởng chia sẻ.
Nguồn: Vietnamnet.vn
Bài viết khác